in

Cuộc sống Mỹ có thật là thiên đường, nên đi hay ở?

Cuộc sống Mỹ có thật là thiên đường, nên đi hay ở?
Cuộc sống Mỹ có thật là thiên đường, nên đi hay ở?

Nước Mỹ: đi hay ở?

Nước Mỹ có một vị trí rất đặc biệt trong lòng người Việt. Bỏ lại sau lưng những ký ức đau thương thời chiến tranh, nhiều người nhìn đến Mỹ như một miền đất hứa. Du học Mỹ. Làm việc ở Mỹ. Lấy chồng lấy vợ Mỹ.

Những chuỗi cửa hàng Mỹ như McDonald’s, Starbucks, KFC luôn chặt kín khách đến check-in. Bản thân bố mẹ tôi cũng đã rất vui mừng vì tôi sang Mỹ sau một thời gian lang thang ở các nước mang tiếng là “nghèo”. Vậy nên, khi tôi nói tôi không thích ở Mỹ, nhiều người có vẻ ngạc nhiên.

Không tính Việt Nam, Mỹ là quốc gia tôi ở lâu nhất. Tôi ở Mỹ đã được gần 4 năm. Tôi sống chủ yếu ở bang California. Mỗi khi có dịp, tôi cố gắng đi đây đi đó để tìm hiểu nhiều hơn về đất nước nơi mình sinh sống.

Tính đến thời điểm này, tôi đã đi được 13 bang. Đây là một phần rất nhỏ trong tổng số 50 bang của Mỹ, nên góc nhìn của tôi chắc chắn là phiến diện. Tuy nhiên, tôi nghĩ góc nhìn của tôi có thể giúp những bạn đang ôm ấp giấc mơ Mỹ hiểu thêm về đất nước này.

Trước khi mọi người đọc tiếp bài này, tôi muốn nhấn mạng rằng nước Mỹ là vô cùng rộng lớn và đa dạng. Dân số Mỹ gấp ba lần Việt Nam nhưng diện tích rộng gấp 30 lần.

Riêng bang California thôi đã rộng gấp rưỡi Việt Nam rồi. Ngoại trừ những thành phố lớn và các khu vực đông dân ở phía Đông Bắc ra, lái xe ở Mỹ sẽ chủ yếu đi qua đồng không mông quạnh: sa mạc, núi rừng, trang trại, vườn quốc gia.

Mặc dù phần lớn người Mỹ nói tiếng Anh, mỗi khu vực của Mỹ lại có cách sống rất khác nhau. Phân tích cái này chắc sẽ phải thành vài quyển sách, nhưng tôi sẽ cố gắng tóm tắt mấy điểm thế này.

1. Bờ Tây tham gia hợp chủng quốc sau bờ Đông, nhất là vùng Đông Bắc, nên văn hoá bờ Tây thường trẻ và phóng khoáng hơn. Nhìn chung chung, bờ Đông có nhiều “old money” – dòng họ giàu có từ lâu đời – nên bờ Đông coi trọng về đẳng cấp hơn.

Bản thân tôi khi sang vùng Đông Bắc thì thấy người ở đây mặc đồ đẹp hơn ở bờ Tây nhiều, nhưng ít xuề xoà thân thiện hơn người bờ Tây. Nếu so sánh một cách khập khiễng thì bờ Tây như Sài Gòn còn bờ Đông như Hà Nội.

2. Văn hoá một vùng phụ thuộc rất nhiều vào thành phần chủng tộc của khu vực đó. Nước Mỹ bao gồm dân nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới.

Ban đầu, dân nhập cư đến chủ yếu từ châu u (Đức, Anh, Ireland, Hà Lan) cùng với họ là người châu Phi bị bán làm nô lệ. Dân nhập cư từ Trung Quốc xuất hiện trong đợt sốt mỏ vàng cuối thế kỷ 17, chủ yếu ở bang California. Kể từ đó, nước Mỹ liên tục có những cuộc nhập cư ồ ạt từ Đông u, Ý, Nga, bán đảo Scandinavia, Việt Nam, Ấn Độ, Cuba, Mexico.

Nhiều người nhập cư xây dựng cuộc sống của họ ở khu vực với nhiều người đến từ đất nước họ và duy trì văn hoá họ đã quen thuộc.

Thành phố Westminster nhiều người Việt, đi ở trung tâm thành phố bạn sẽ thấy toàn quán xá người Việt, nghe mặc cả không khác gì chợ Bến Thành. Thành phố Miami có hơn một triệu người nhập cư từ Cuba, văn hoá Ca-ri-bê rõ nét.

3. Tôn giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá. 83% người dân Mỹ nhận mình theo đạo Thiên Chúa, nhưng mức độ sùng độ khác nhau.

Ở California, tôi ít gặp người sùng đạo, không ai quan tâm bạn ngủ với ai lúc nào, người đồng tính có thể thoải mái thể hiện tình cảm trên đường mà không ai bảo sao.

Sang Texas, tôi gặp nhiều người sùng đạo kiên quyết không ngủ với ai cho đến khi cưới, nghĩ rằng người đồng tính là “không tự nhiên” vì Kinh Thánh không cho phép.

Nghiên cứu của trường Luật tại UCLA chỉ ra rằng bang Texas mỗi năm mất tiền tỉ vì những chính sách không thân thiện với người đồng tính.

Với hơn 60% dân số theo Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Mormon), văn hoá Utah chịu ảnh hưởng rõ rệt của tôn giáo này.

Tôn giáo này không cho người dân sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nên các quán cafe, bar ở đây rất hiếm.

Đàn ông Mormon được phép lấy nhiều vợ nên tình trạng chồng có vợ vẫn đi tán tỉnh người khác là bình thường.

Phần 1: Bốn lý do tôi không thích Mỹ

Vì nước Mỹ rộng và đa dạng như vậy, tất cả những nhận định về nước Mỹ đều mang tính tương đối. Những lý do tôi kể sau đây có thể đúng ở nhiều khu vực, nhưng không đúng ở nhiều khu vực khác.

Lý do 1: Ở Mỹ không sướng

Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp bài báo với tiêu đề kiểu ai đó bỏ việc lương tháng trăm triệu ở Mỹ về Việt Nam. Bạn tôi hay bình luận: “Lương tháng trăm triệu ở Mỹ thì lại chẳng về.”

Lương tháng trăm triệu tức là khoảng $5k/tháng. Trả thuế 30% còn $3.5k. Ở khu tôi, thuê phòng riêng nhỏ cũng phải $2k, ăn ngoài một bữa rẻ cũng phải $20.

Vậy là lương $5k/tháng chỉ vừa đủ trả tiền nhà và may ra tiền ăn, chưa kể tiền đi lại, chăm sóc sức khoẻ, chi phí phát sinh, đi chơi với bạn bè.

Nhiều người có suy nghĩ rằng cứ sang Mỹ là sẽ giàu. Lương tháng những ngàn đô cơ mà ăn sao hết! Khi tôi đi học, bố mẹ tôi thấy tôi học bổng tiền tỉ một năm cứ nghĩ là từ giờ tôi có thể sống trong nhung lụa. Nhưng lương cao đồng nghĩa với việc chi phí sinh sống cao.

Ở Việt Nam, do chi phí dịch vụ rẻ, bạn có thể có một cuộc sống thoải mái nếu có thu nhập hơn mức trung bình một chút. Ở Mỹ, bạn phải có thu nhập hơn mức trung bình rất nhiều mới mong thoải mái được.

Tôi gặp nhiều người chuyển từ Việt Nam sang Mỹ sống than thở rằng điều kiện cuộc sống đi xuống hẳn. Ở Việt Nam, họ ở nhà riêng với vườn, có người giúp việc, ốm ra là bác sĩ, ăn uống ngoài tẹt ga.

Sang Mỹ, họ phải thuê nhà chung cư nhỏ xíu, cả tháng mới dám đi ăn ngoài một mình, đau răng không dám đi khám vì chi phí nha khoa ở đây rất đắt, còn thuê người giúp việc còn lâu mới dám mơ tới vì chi phí nhân công ở đây cao.

Lợi thế khi làm việc ở Mỹ là khi đi du lịch ở các nước nghèo hơn. Tiết kiệm một tháng lương ở Việt Nam đi du lịch sẽ chẳng đáng là bao.

Nhưng tiết kiệm một tháng lương Mỹ đi du lịch có thể cho bạn đi khá xa. Nhưng nhiều người ở Mỹ thu nhập chỉ vừa đủ sống, làm gì có tiền tiết kiệm mà đi đây đi đó.

Lý do 2: Đi lại bất tiện

Nhìn trên bản đồ, bạn có thể thấy Mỹ gần như chiếm trọn một nửa châu lục Bắc Mỹ. Nếu bạn ở sát biên giới phía Nam nước Mỹ sang Mexico tiện, hay ở gần biên giới phía Bắc sang Canada tiện.

Nhưng nếu bạn ở đâu đó khác trong nước Mỹ và muốn đi ra nước ngoài thì sẽ phải bay chuyến rất xa.

Và sau khi đã đi hết hai nước láng giềng, muốn đi đâu bạn sẽ phải cần cả tuần nghỉ liền vì ngồi máy bay không có khi đã hết ngày. Không có chuyện cuối tuần hứng lên đi một nước mới lạ nào đó để trải nghiệm.

Ở Việt Nam, chỉ cần bay vài tiếng là mình có thể đến được rất nhiều nước ở châu Á. Bay xa hơn tí nữa thì sẽ đến được châu Úc, Trung Đông.

Tôi ghen tị với bạn tôi ở châu Âu vì tụi nó dường như có thể bay đến bất cứ đâu dưới 10 tiếng. Tụi bạn tôi ở châu Âu thỉnh thoảng cuối tuần là mua vé máy bay siêu rẻ (nhiều khi chỉ 20, 30 euros) đi một nước nào đó trong khu vực.

Tôi ở Mỹ gần 4 năm trời đi được có thêm 7 nước mới, mỗi lần đi về mà mệt rã rời vì ngồi máy bay lâu, xong rồi lại phải đấu tranh với chênh lệch múi giờ.

Bạn tôi ở châu Âu có một quý mà đã đi được chục nước. Bạn bè ở các nước châu Á, châu Âu, nhớ nhà chỉ cần đặt vé bay vèo phát về Việt Nam. Tôi nhớ nhà cũng ngại về vì nghĩ đến chuyện ngồi máy bay 20 tiếng liền tù tì thôi là thấy ớn.

Lý do 3: Chính sách nhập cư không thân thiện

Mỹ là một trong những quốc gia với chính sách nhập cư vô cùng nghiêm ngặt. Xin visa sang Mỹ được đã khó rồi, sang đến nơi, để trở thành công dân của họ còn khó hơn nữa.

Chính sách của họ càng khó hơn kể từ khi quốc gia này bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố năm 2001.

Phần lớn dân nhập cư Mỹ là theo dạng gia đình bảo lãnh hoặc lấy vợ lấy chồng. Một bộ phận nhỏ có thành tự to lớn trong ngành của họ có thể nhập cư theo dạng “national interest” (sự có mặt của bạn trên đất Mỹ sẽ có ích lợi cho đất nước này).

Nếu bạn muốn nhập cư theo dạng du học rồi ở lại đi làm, tổng cộng thời gian có thể lên đến cả chục năm.

Ở một số quốc gia như Úc hay Canada, sau khi bạn học đại học ở đất nước họ, bạn có thể trực tiếp nộp đơn xin permannent residency (loại giấy tờ cho phép bạn ở đất nước họ lâu dài. Đây là tiền đề để trở thành công dân nước họ).

Nhưng ở Mỹ, học xong rồi, muốn nhập cư, bạn sẽ phải xin việc ở một công ty có thể bảo lãnh thẻ xanh cho bạn. Công ty đó đầu tiên sẽ phải xin visa làm việc (H1-B), và visa này có hạn nên chỉ ⅓ số người nộp đơn cho visa này được chấp thuận.

Sau đó, công ty sẽ phải chờ một thời gian để đảm bảo rằng bạn sẽ làm việc ở công ty lâu dài rồi mới tài trợ cho bạn xin thẻ xanh.

Trong suốt thời gian này, bạn sẽ phải phụ thuộc vào công ty, dù có không thích công việc hay tìm được công việc tốt hơn cũng không thể bỏ vì như thế visa của bạn sẽ hết hiệu lực!

Nhiều người, sau khi có thẻ xanh là có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ngay cả với những người có thẻ xanh, bạn vẫn có thể bị trục xuất khỏi Mỹ. Nếu bạn không có thẻ xanh, khả năng bị trục xuất của bạn sẽ cao hơn nhiều.

Với mỗi visa ở Mỹ, bạn sẽ theo những quy định nghiêm ngặt để duy trì “status” của bạn trên Mỹ. Nếu bạn không nắm rõ luật 100% (không phải lúc nào luật cũng đơn giản) và vô tình phạm luật, bạn bị mất “status” và có thể bị trục xuất.

Điều này dẫn đến việc nhiều người lúc nào ở Mỹ cũng thấp thỏm không biết mình có chẳng may làm điều gì mình không được phép khi ở Mỹ hay không.

Lý do 4: Tiền học đắt đỏ

Tiền học phí đại học cho một năm ở Mỹ trong khoảng $30k – $55k. Kể cả tiền sách giáo khoa, ăn ở, đi lại, bảo hiểm, chi phí cho bốn năm ở Mỹ có thể dễ dàng lên đến $200k – 300k.

Thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ năm 2016 là $57k. Sau khi trừ thuế đi sẽ còn khoảng $40k. Trừ các chi phí ăn tiêu đi cùng lắm sẽ tiết kiệm được $5k mỗi năm.

Nếu một cặp vợ chồng có thu nhập trung bình, họ có thể sẽ phải tiết kiệm 20 năm mới đủ tiền cho hai con học đại học.

Với nhiều gia đình không tiết kiệm lâu dài được như vậy, con họ sẽ phải tự vay tiền để học đại học. Trong năm 2015, 68% cử nhân Mỹ tốt nghiệp nợ nần, với khoản nợ trung bình là $30,100.

Hình dung rằng bạn vừa ra trường, lương làm còn chưa đủ ăn mà đã phải gánh lên mình món nợ khổng lồ như vậy!

Nếu sống ở một quốc gia nào đó, tôi hy vọng còn mình có thể đi học ở đó mà không phải chịu cảnh nợ nần. Nhiều quốc gia phát triển có nền giáo dục tốt mà vẫn cho phép người dân học đại học miễn phí, hoặc nếu có thì học phí cũng rất rẻ.

Phần 2: Vậy tại sao nhiều người vẫn ở Mỹ?

Với nhiều điều không tiện ở nước Mỹ như vậy, nhiều người vẫn chọn nhập cứ sang Mỹ. Lý do nhiều người nói với tôi nhất là ở Mỹ, bạn có thể cảm thấy bạn thuộc về nơi này.

Vì sự đa chủng tộc, nên cho dù bạn có là người gốc Á, Âu, Phi, hay gì đó đi chăng nữa, không ai có thể nói rằng bạn không thuộc về nước Mỹ.

Ngược lại, nếu ở châu Âu, do phần lớn người dân ở một số nước là da trắng, nhiều người bảo với tôi rằng nếu bạn là người gốc Á, bạn có thể trở thành công dân nhưng thỉnh thoảng bạn sẽ có cảm giác như người ta vẫn đối xử với bạn như người nước ngoài.

Bản thân tôi chưa bao giờ thấy cảm giác như vậy ở châu Âu, nhưng điều đó cũng có thể là do tôi ở châu Âu chưa đủ lâu, những người tôi gặp ở đó phần lớn là người trẻ, và tâm thế của tôi vẫn là khách du lịch nên không cảm thấy bất tiện khi ai đó đối xử với tôi như người nước ngoài.

Lý do khác là cơ hội nghề nghiệp. Những câu chuyện về “giấc mơ nước Mỹ” không phải không có cơ sở.

Ở Mỹ, bạn đúng là sẽ có cảm giác bạn có thể trở thành bất kỳ ai, cho dù xuất phát điểm của bạn như thế nào. Vì sự rộng lớn ở nước Mỹ, nếu bạn thất bại ở một thành phố, bạn có thể tìm kiếm ở cơ hội ở một thành phố khác.

Phần 3: Tôi sẽ ở Mỹ hay về Việt Nam?

Kể từ sau khi tôi tốt nghiệp, rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Tôi không giới hạn lựa chọn của mình ở Mỹ hay ở Việt Nam, mà cũng đang cân nhắc khác nước khác.

Tôi chưa biết mình sẽ đi đâu. Dù tôi có ở đâu, tôi chắc chắn sẽ dành kha khá thời gian ở Việt Nam vì gia đình tôi vẫn ở đây và tôi nghĩ có nhiều điều tôi có thể đóng góp cho nước mình.

Huyền Chip – Dear.vn

5/5 - (2 bình chọn)
Em xấu thế này, anh có chán em không?

Em xấu thế này, anh có chán em không?

Em đừng buồn vì một người đã từ bỏ em

Em đừng buồn vì một người đã từ bỏ em